PHƯƠNG PHÁP TÍCH HỢP GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP QUA MÔN NGỮ VĂN
1. Thế mạnh của môn Ngữ văn trong việc tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp
Xã hội càng phát triển thì nghề nghiệp càng đa dạng, sự dịch chuyển nghề nghiệp cũng diễn ra nhanh chóng, yêu cầu về trình độ chuyên môn trong mỗi lĩnh vực cũng ngày càng cao, vì vậy, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh hiện đang rất được quan tâm ở bậc trung học phổ thông (THPT) và được thực hiện dưới nhiều hình thức. Tích hợp giáo dục hướng nghiệp qua môn học Ngữ văn là một phương pháp được làm thường xuyên, nội dung dạy học phong phú có khả năng đem lại hiệu quả cao.
Tích hợp (Integration) là sự hợp lại thành một hệ thống thống nhất đã và đang trở thành xu thế phổ biến trên thế giới trong nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục. Dạy học Ngữ văn theo quan điểm tích hợp giáo dục hướng nghiệp không chỉ chú trọng kiến thức mà cần thiết phải xác định được các năng lực cần đạt và xây dựng một hệ thống biện pháp nhằm giúp học sinh phát triển đa trí tuệ về thế giới nghề nghiệp. Giờ học Ngữ văn theo định hướng tích hợp giáo dục hướng nghiệp là một giờ học hoạt động phức hợp huy động khả năng tổ hợp, lồng ghép kiến thức, kĩ năng liên môn, đa lĩnh vực ở cả người học và người dạy.
Việc tích hợp nội dung hướng nghiệp qua môn học Ngữ văn được thực hiện theo hai hình thức: tích hợp trong giờ học chính khóa và tích hợp qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo (HĐTNST). Cả hai hình thức hoạt động này đều trang bị cho học sinh kiến thức phong phú về nghề nghiệp, nhu cầu xã hội, đồng thời khám phá năng khiếu, đam mê của bản thân, giúp các em định hướng tương lai, nỗ lực học tập để đạt được ước mơ nghề nghiệp.
2. Xác định năng lực cần đạt và nội dung hướng nghiệp
Năng lực học sinh cần đạt | Kết quả cần đạt về nội dung hướng nghiệp |
Nhận thức về bản thân | - Có được hiểu biết về bản thân ở các phương diện: sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp. HS dùng chính những hiểu biết/ kiến thức này cho công việc hướng nghiệp - Xác định được mong muốn, ước mơ, hy vọng và mục tiêu cho việc hướng nghiệp |
Nhận thức về nghề nghiệp | - Xây dựng kiến thức về ngành học, các trường Đại học, cao đẳng và trường nghề ở trong và ngoài nước. HS dùng hiểu biết/kiến thức này cho việc quyết định chọn ngành học và trường học sau khi tốt nghiệp THPT - Xây dựng kiến thức về nghề, lựa chọn nơi làm việc, môi trường làm việc - Đánh giá được vai trò của thông tin cũng như sử dụng được ảnh hưởng của thông tin đối với việc quyết định nghề nghiệp |
Xây dựng kế hoạch hướng nghiệp | - Xây dựng được mục tiêu hướng nghiệp/dự định nghề nghiệp cho tương lai - Lập kế hoạch nghề nghiệp và từng bước thực hiện kế hoạch nghề nghiệp |
Hình thành kĩ năng lưa chọn nghề nghiệp | - Tham gia hoạt động để có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp - Biết phân tích những ưu/nhược điểm của nghề nghiệp mà bản thân dự định lựa chọn; thấy được triển vọng của ngành nghề đó trong tương lai - Giới thiệu, định hướng cho bạn bè/người thân về một số nghề nghiệp trong cuộc sống |
3. Xác đinh nội dung tích hợp trong môn Ngữ văn THPT
3.1. NGỮ VĂN 10
TT | Bài học | Nghề liên quan | Kiến thức vận dụng |
1 | Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ | Trang bị kiến thức công cụ cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề | - Đặc điểm giao tiếp bằng ngôn ngữ - Các chức năng của ngôn ngữ trong giao tiếp. - Các nhân tố tham gia giao tiếp |
2 | Văn bản và các kiểu văn bản tự sự, thuyết minh, nghị luận | - Đặc điểm của các kiểu văn bản tự sự, thuyết minh, nghị luận - Sử dụng các kiểu văn bản trong hoạt động giao tiếp/cuộc sống/công việc | |
3 | Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết | - Đặc điểm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết - Sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong giao tiếp, tạo lập văn bản | |
4 | Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt | - Đặc điểm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt - Vận dụng trong giao tiếp và tạo lập văn bản | |
5 | Trình bày một vấn đề | - Chọn vấn đề trình bày - Lập dàn ý cho bài trình bày - Trình bày nội dung chính | |
6 | Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh | Hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh | |
7 | Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt | Yêu cầu chung về ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, phong cách | |
8 | Khái quát văn học dân gian Việt Nam |
| - Một số thể loại văn học dân gian Việt Nam - Phương pháp sưu tầm VHDG |
9 | Ôn tập văn học dân gian Việt Nam | Các ngành nghề liên quan đến văn hóa/văn hóa học/dân tộc học/xã hội học, nghiên cứu văn học | Phương pháp sưu tầm VHDG |
10 | Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy | Các ngành nghề liên quan đến du lịch (hướng dẫn viên du lịch), quản lí văn hóa... | - Thời đại Âu Lạc - Di tích thành Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương... |
11 | Uy-lít-xơ trở về (trích Ô-đi-xê) | Văn minh Hi Lạp: vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của con người | |
12 | Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch) | - Di tích văn hóa lầu Hoàng Hạc - Truyền thuyết về lầu Hoàng Hạc | |
13 | Lầu Hoàng Hạc (Thôi Hiệu) | - Di tích văn hóa lầu Hoàng Hạc - Truyền thuyết về lầu Hoàng Hạc | |
14 | Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu) | - Chiến thắng Bạch Đằng của nhà Trần trước quân Mông- Nguyên, giá trị lịch sử, văn hóa | |
15 | Đại cáo bình Ngô | - Khởi nghĩa Lam Sơn - Một số di tích lịch sử, văn hóa: núi Chí Linh, Lam Kinh | |
16 | Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung) | Giá trị văn hóa- lịch sử của văn bia tiến sĩ, Văn Miếu | |
17 | Viết quảng cáo | Các ngành nghề liên quan đến báo chí, phát thanh truyền hình… | - Yêu cầu chung của văn bản quảng cáo - Cách viết văn bản quảng cáo |
3.2. NGỮ VĂN 11
TT
| Tên bài học | Nghề liên quan | Kiến thức vận dụng |
1 | Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân | Trang bị kiến thức công cụ, kĩ năng nghề nghiệp cho nhiều ngành nghề | - Tính chung trong ngôn ngữ - Nét riêng trong lời nói: sự chuyển đổi, sáng tạo khi sử dụng từ ngữ chung, quen thuộc |
2 | Thao tác lập luận phân tích | Yêu cầu của thao tác lập luận phân tích | |
3 | Thực hành nghĩa của từ trong sử dụng | - Hiện tượng chuyển nghĩa của từ - Quan hệ giữa các từ đồng nghĩa | |
4 | Thao tác lập luận so sánh | Yêu cầu của thao tác lập luận so sánh | |
5 | Ngữ cảnh | Các nhân tố của ngữ cảnh: nhân vật giao tiếp, bối cảnh ngôn ngữ, văn cảnh | |
6 | Luyện tập thao tác lập luận so sánh | Viết đoạn văn, văn bản so sánh về một chủ đề gần gũi với đời sống | |
7 | Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận | Vận dụng các thao tác lập luận để viết văn bản nghị luận | |
8 | Thực hành lựa chọn các bộ phận trong câu | Trật tự từ trong câu đơn, câu ghép | |
9 | Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản | Sử dụng các kiểu câu trong văn bản | |
10 | Nghĩa của câu | Nghĩa sự việc và nghĩa tình thái của câu | |
11 | Thao tác lập luận bác bỏ | Yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ | |
12 | Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ | Vận dụng thao tác lập luận bác bỏ thích hợp trong bài văn nghị luận | |
13 | Đặc điểm loại hình tiếng Việt | Đặc điểm loại hình tiếng Việt- một ngôn ngữ đơn lập | |
14 | Thao tác lập luận bình luận | Yêu cầu của thao tác lập luận bình luận | |
15 | Luyện tập thao tác lập luận bình luận | Viết đoạn văn, văn bản bình luận về một chủ đề gần gũi với đời sống | |
16 | Phong cách ngôn ngữ chính luận | - Đặc điểm phong cách ngôn ngữ chính luận - Vận dụng đặc điểm phong cách ngôn ngữ chính luận để tạo lập văn bản | |
17 | Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh | Thực hành kết hợp phân tích và so sánh trong bài văn nghị luận về một hiện tượng, một vấn đề gần gũi, quen thuộc trong đời sống | |
18 | Tóm tắt văn bản nghị luận | Cách tóm tắt văn bản nghị luận | |
19 | Bản tin | Các ngành nghề liên quan đến báo chí, phát thanh truyền hình… | Cách viết bản tin: khai thác và lựa chọn tin, viết bản tin |
20 | Luyện tập viết bản tin | Viết bản tin về những sự việc xảy ra trong cuộc sống | |
21 | Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn | - Những yêu cầu cơ bản đối với hoạt động phỏng vấn - Những yêu cầu đối với người trả lời phỏng vấn | |
22 | Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn | Thực hiện phỏng vấn và trả lời phỏng vấn | |
| Phong cách ngôn ngữ báo chí | - Đặc điểm phong cách ngôn ngữ báo chí - Thực hành viết văn bản báo chí thông thường | |
23 | Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận | Ngành nghề liên quan đến sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học | Đặc điểm thể loại văn học: kịch, văn nghị luận |
24 | Một số thể loại văn học: thơ, truyện | Đặc điểm thể loại văn học: thơ, truyện | |
25 | Vào phủ chúa Trịnh (Lê Hữu Trác) | Các ngành nghề liên quan đến văn hóa/văn hóa học/dân tộc học/xã hội học/lịch sử | - Những ghi chép của Lê Hữu Trác về phủ chúa Trịnh - Cuộc sống nơi phủ chúa Trịnh - Văn hóa- xã hội VN thế kỉ XVIII |
3.3. NGỮ VĂN 12
STT | Tên bài | Nghề liên quan | Kiến thức vận dụng |
1 | Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt | Trang bị kiến thức công cụ, kĩ năng nghề nghiệp cho nhiều ngành nghề | - Tính chuẩn mực có quy tắc của tiếng Việt - Tính lịch sự, văn hóa trong lời nói |
2 | Phong cách ngôn ngữ khoa học | Đặc trưng phong cách ngôn ngữ khoa học: tính trừu tượng, khái quát; tính lí trí, logic; tính khách quan, phi cá thể | |
3 | Nhân vật giao tiếp |
| Tác động chi phối lời giao tiếp của các nhân vật giao tiếp |
4 | Mở bài, kết bài | Một số yêu cầu viết mở bài, kết bài | |
5 | Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận | Một số lỗi trong lập luận và cách khắc phục | |
6 | Diễn đạt trong văn nghị luận | - Cách sử dụng từ ngữ - Cách sử dụng kết hợp các kiểu câu | |
7 | Phong cách ngôn ngữ hành chính | Đặc trưng phong cách ngôn ngữ hành chính: tính khuôn mẫu, tính minh xác, tính công vụ | |
8 | Văn bản tổng kết | Cách viết văn bản tổng kết | |
9 | Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận | Cách chữa lỗi trong lập luận | |
10 | Tây Tiến (Quang Dũng) | Các ngành nghề liên quan đến văn hóa/văn hóa học/dân tộc học/xã hội học du lịch (hướng dẫn viên du lịch), quản lí văn hóa... | Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc |
11 | Việt Bắc | Di tích lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên và con người | |
12 | Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) | Vẻ đẹp dòng sông Đà | |
13 | Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường) | - Vẻ đẹp sông Hương - Những giá trị văn hóa Huế | |
14 | Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) | Thiên nhiên và văn hóa miền núi Tây Bắc | |
15 | Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) | Đặc trưng văn hóa Tây Nguyên | |
16 | Bắt sấu rừng U Minh Hạ | Đặc trưng văn hóa Nam Bộ | |
17 | Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) | Những giá trị văn hóa truyền thống gia đình | |
18 | Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) | - Cuộc sống của ngư dân - Nhân cách người nghệ sỹ | |
19 | Nhìn về vốn văn hoá dân tộc (Trần Đình Hượu) | Đặc trưng văn hóa dân tộc | |
20 | Phát biểu tự do | Các ngành nghề liên quan đến báo chí, phát thanh truyền hình… | Cách phát biểu tự do về một số lĩnh vực quen thuộc |
21 | Phát biểu theo chủ đề | Cách thức phát biểu theo chủ đề | |
22 | Luật thơ | Ngành nghề liên quan đến sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học | Một số thể loại thơ hiện đại |
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Tích hợp giáo dục hướng nghiệp trong các bài học chính khóa
Tích hợp nội dung GDHN qua các tiết dạy/bài dạy trên lớp trong môn Ngữ văn ở THPT được xem là phương pháp chủ yếu để lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Dựa vào bảng xác định nội dung hướng nghiệp trong môn Ngữ văn 10, 11, 12 trình bày ở mục 3, giáo viên lựa chọn tiết dạy/bài học phù hợp để tích hợp nội dung hướng nghiệp mà không làm thay đổi đặc trưng môn học, tạo hiệu quả tích hợp, khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Phân tích hoạt động GDHN thông qua bài dạy/tiết dạy trên lớp, chúng tôi thiết kế các bảng dưới đây như một gợi ý cho quá trình tích hợp nội dung GDHN.
Giáo viên (GV) cần khéo léo trong việc tích hợp vào các bài học, đảm bảo tính chính xác, khoa học, khắc sâu được kiến thức trọng tâm, nắm được những câu hỏi, những tình huống có vấn đề từ tác phẩm, từ tầm đón nhận của HS, theo dự báo, theo điều tra của GV để cho HS trao đổi, thảo luận… Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, GV giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn HS làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp, đảm bảo mỗi HS đều được tạo điều kiện để tự thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm.
Xác định và giao nhiệm vụ cho HS một cách cụ thể và rõ ràng. Mỗi nhiệm vụ phải đảm bảo cho HS hiểu rõ: mục đích, nội dung, cách thức hoạt động và sản phẩm học tập phải hoàn thành. Quan sát, phát hiện những khó khăn mà học sinh gặp phải; hỗ trợ kịp thời cho từng HS và cả nhóm. Khi giúp đỡ HS, cần gợi mở để HS tự lực hoàn thành nhiệm vụ; khuyến khích HS hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc giải quyết nhiệm vụ học tập. Hướng dẫn việc tự ghi bài của HS: kết quả hoạt động cá nhân, kết quả thảo luận nhóm, những kết luận của GV…
Đối với các bài dạy trên lớp, GV cũng có thể tổ chức cho HS học tập theo dự án (Ví dụ học bài “Phát biểu theo chủ đề”, “Phát biểu tự do” trong chương trình Ngữ văn 12, GV có thể giao nhiệm vụ cho HS tìm hiểu, xây dựng dự án học tập liên quan đến một số ngành nghề cụ thể). Khi giao cho HS thực hiện các dự án học tập, GV cung cấp cho HS các trang web hỗ trợ; hướng dẫn HS lên mạng Internet tìm kiếm thông tin liên quan đến dự án; HS sử dụng mạng Internet để lập các nhóm học tập, trao đổi các vấn đề, kết quả của dự án.
Trong dạy học tích hợp nói chung và tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp môn Ngữ văn nói riêng rất cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Ngày nay nhu cầu làm việc, giao tiếp trên smart phone, computer, camera, email, Internet, radio, technology… đã trở nên thiết yếu, thường xuyên. Công nghệ thông tin và truyền thông tạo nên một xã hội toàn cầu, nơi mà mọi người có thể tương tác, kết nối với nhau nhanh chóng, hiệu quả. Các Website về thông tin thị trường lao động là kho dữ liệu khổng lồ giúp học sinh tự hướng nghiệp hiệu quả. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc tích hợp GDHN trong dạy học Ngữ văn mang lại hiệu quả cao hơn; HS dễ dàng tìm hiểu ứng dụng của Ngữ văn trong các ngành nghề mà các em quan tâm trên Internet; kiểm tra đối chiếu với sở thích và khả năng của bản thân.
4.2. Tích hợp qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Ngữ văn ở THPT có khả năng hướng nghiệp to lớn bởi khả năng phân hóa nhu cầu, năng lực, phát triển năng khiếu. Nói cách khác, sự nảy sinh hứng thú, thiên hướng, năng lực của HS thường xuất hiện trong các hoạt động ngoại khóa. Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục được tổ chức trong môi trường học tập bằng chính sự trải nghiệm của mỗi học sinh góp phần hình thành phẩm chất, năng lực người học. Học sinh được tham gia trực tiếp vào hoạt động để phát huy năng lực sáng tạo, thích ứng với hoàn cảnh. Trải nghiệm sáng tạo gồm nhiều hình thức khác nhau như hoạt động câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện, tổ chức trò chơi, hội thi tìm hiểu, thuyết trình, tham quan dã ngoại, sân khấu hóa, hoạt động nhân đạo… có thể diễn ra trong lớp/ngoài lớp, trong nhà trường/ngoài nhà trường. Bản chất của hoạt động này là vận dụng nội dung môn học, các kiến thức để thực hành, vận dụng, giải quyết các tình huống khác nhau trong cuộc sống. Tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính phân hóa cao, được thực hiện dưới nhiều hình thức, đòi hỏi sự phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường vừa đảm bảo yêu câu chung vừa phù hợp với đặc điểm của từng trường, địa phương.
Đối với môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, tổ chức HĐTNST không còn mới mẻ, nhưng qua HĐTNST để tích hợp nội dung GDHN lại có những yêu cầu mới với GV, HS về nội dung, hình thức tổ chức. Để tích hợp nội dung GDHN qua các HĐTNST Ngữ văn có hiệu quả theo tôi cần thực hiện qua các hình thức sau:
- Tạo được bầu không khí văn chương trong giờ học Ngữ văn giúp HS tiếp nhận tác phẩm, kiến thức lí luận văn học, có sự hoà đồng cảm xúc thẩm mĩ, tạo được sự dân chủ trong tiếp nhận kiến thức, khi đó giờ văn sẽ thú vị hơn rất nhiều. Để tạo được bầu không khí văn chương trong giờ học Ngữ văn, GV cần gợi lại không khí lịch sử, xã hội, văn hoá của những tác phẩm (Ví dụ, ở lớp 10 khi ôn tập phần văn học Việt Nam trung đại- văn học Lí– Trần, GV có thể gợi lại lịch sử các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên- Mông; sự phát triển của Phật giáo... Ở lớp 11 khi ôn tập cuối học kì I với chủ đề truyện ngắn hiện đại, GV có thể gợi lại bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930- 1945… ). Hoạt động này có thể giúp HS có những định hướng về ngành nghề liên quan đến văn hóa, du lịch, quản lí di tích, nghiên cứu lịch sử.
- Tổ chức HĐTNST cho HS bằng cách đưa ra một nhận định tổng quát đòi hỏi HS phải tư duy và chưa thể giải quyết ngay, từ đó dẫn dắt các em tìm hiểu để giải quyết vấn đề. Đối với HS phổ thông, dù sau này có chọn văn chương làm bộ môn gắn bó của đời mình hay không thì những hiểu biết về văn học dân tộc và văn học nhân loại (ở bất kì thời đại nào) sẽ là hành trang làm nên cái gọi là “trình độ văn hoá” của mỗi người. Để củng cố sâu sắc hơn về vốn tri thức ấy, việc tổ chức cho HS trải nghiệm sáng tạo, không ngừng tìm tòi lí giải về những đỉnh cao văn học dân tộc và nhân loại có ý nghĩa quan trọng. Qua hoạt động này có thể định hướng cho HS phát huy sở trường nghiên cứu, phê bình, sưu tầm văn học.
- Tổ chức HĐTNST bằng cách cho HS hóa thân, nhập vai vào nhân vật. Ví dụ, đóng vai chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng khi dạy học truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” ở lớp 12; HS viết lại kết thúc truyện “Tấm Cám”, hoặc tưởng tượng mình là nhân vật Mị Châu, sau khi chết, xuống Thủy cung gặp lại Trọng Thủy và kể lại câu chuyện đó, bao giận hờn, oán trách được giãi bày sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó. Hình thức này có thể phát hiện những HS có sở trường về lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, luật, sáng tác…v.v.
- Tổ chức HĐTNST bằng hình thức sân khấu hóa, chuyển thể tác phẩm văn học thành tiểu phẩm kịch ngắn hoặc phim ngắn. Chúng tôi nhận thấy, hoạt động này không chỉ giúp các em đến gần hơn với tác phẩm văn học mà còn giúp các em có được những kĩ năng, phẩm chất và năng lực khác. Thông qua cách làm clip đã biết lồng âm thanh, hình ảnh, phối cảnh, tạo lời thoại, biết xây dựng kế hoạch cho một hoạt động, chia sẻ, hợp tác với nhau về ý tưởng, cách tổ chức thực hiện một nhiệm vụ thực tế giúp các em hiểu nhau hơn. Với riêng văn học dân gian (VHDG), tổ chức hoạt động trải nghiệm thông qua hình thức sân khấu hóa đã làm sống lại các tác phẩm văn học trong môi trường diễn xướng, làm sáng lên những vẻ đẹp của tác phẩm VHDG mà giờ học trên lớp khó có thể đem lại. Có thể nói, tổ chức HĐTNST bằng hình thức sân khấu hóa, cách làm sáng tạo của HS nhiều khi khiến chúng ta ngạc nhiên. Đồng thời cũng qua HĐTNST này, HS có một sân chơi bổ ích, lành mạnh, từ đó có niềm say mê học tập bộ môn Ngữ văn. Hình thức này có thể phát hiện những HS có sở trường về lĩnh vực nghệ thuật (diễn viên, biên kịch, đạo diễn, sân khấu, điện ảnh, ngôn ngữ, sáng tạo)
- Tổ chức HĐTNST cho HS theo hình thức một sân chơi trí tuệ (như Đường lên đỉnh Ôlimpya, Âm vang xứ Thanh) cũng là cách làm phù hợp với thực tiễn của quá trình đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực. Cách làm này thực chất là biến những gì thuộc về lí thuyết khô cứng thành tư duy sáng tạo phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Nhìn một cách tổng thể, việc tổ chức HĐTNST trong dạy học Ngữ văn tạo ra môi trường hoạt động- giao lưu kích thích hứng thú học tập của HS. Chúng ta đang tìm kiếm con đường nâng cao hiệu quả học tập, phát huy tính tích cực sáng tao, tôn trọng chủ thể HS thì đây là cách làm hiệu quả phù hợp với trình độ, tâm lí lứa tuổi của HS phổ thông, phù hợp với nhiều địa phương (kể cả vùng sâu, vùng xa). Hình thức học tập này giúp phát hiện những HS có sở trường dẫn chương trình, diễn thuyết, hùng biện, phát triển kĩ năng mềm cho người học.
- Tổ chức HĐTNST bằng việc cho HS trải nghiệm thực tế như tham quan di tích lịch sử, văn hóa… Những chuyến đi thực sự có ý nghĩa đối với HS, giúp các em bước đầu có được những định hướng tốt về nhận thức và tình cảm đối với những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Mặt khác, việc được tiếp cận với thực tế cuộc sống là cách kiểm chứng tốt nhất để HS có những phát hiện riêng, thậm chí có những tranh luận, phản biện tích cực. Dạy học Ngữ văn tích hợp nội dung GDHN qua phương thức trải nghiệm thực tế là cách tổ chức hoạt động mà qua đó giúp HS có cơ hội tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhờ cảm hứng từ trải nghiệm thực tế, qua đó đề xuất những giải pháp để giải quyết vấn đề. Thực tế trải nghiệm, HS không những thích thú, hào hứng mà còn hình thành được những cách thức giải quyết các vấn đề từ thực tiễn, mở rộng kiến thức, hiểu biết, có được không gian hòa điệu với các tác phẩm đã được học với không gian văn hóa, các em có dịp bày tỏ suy nghĩ tìm ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc. Hình thức này có thể phát hiện những HS có sở trường làm hướng dẫn viên du lịch, quản lí văn hóa…
- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm qua việc giao lưu khách mời để HS có cơ hội được giải đáp các thắc mắc về nghề, tăng hiệu quả của tích hợp GDHN. Giáo viên dạy Ngữ văn kết hợp với GV chủ nhiệm lớp, cha mẹ HS và các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức diễn đàn về ngành nghề nhân dịp kỉ niệm các ngày lễ trong năm như Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), Ngày thầy Thuốc Việt Nam 27/2, ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam 19/8, ngày 13/9 Ngày truyền thống của Tòa án Nhân dân…v.v. Khách mời có thể là một số người có uy tín, nổi tiếng trong các lĩnh vực đó.
Để việc tích hợp nội dung GDHN qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành công, GV có vai trò hết sức quan trọng. GV luôn đóng vai người cố vấn, trọng tài dẫn dắt điều hành, động viên, khích lệ, tạo cho HS sự chủ động, tự tin khi trải nghiệm sáng tạo. Sau mỗi hoạt động, cần coi trọng đánh giá kết quả hoạt động của HS. Trải nghiệm sáng tạo là cầu nối linh diệu giữa lí thuyết và thực tiễn giúp HS hiểu sâu sắc, toàn diện hơn các bài học trên lớp. Nhiều HS đã có nhiều thay đổi tích cực khi được trải nghiệm, chủ động tự tin bày tỏ suy nghĩ, tham gia tranh luận, thảo luận, phản biện. HS có những thay đổi nhất định trong nhận thức, hành vi ứng xử, bồi dưỡng phẩm chất yêu nước và trách nhiệm công dân, phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…
Từ việc xác định bài dạy, nội dung tích hợp GDHN, có thể thấy qua hoạt động dạy học Ngữ văn một số ngành nghề định hướng cho HS như văn hóa học (nghiên cứu và quản lý văn hóa); du lịch (hướng dẫn viên du lịch, quản lý du lịch); báo chí, phát thanh truyền hình; giáo viên và quản lí giáo dục; văn phòng và văn thư lưu trữ; sân khấu, điện ảnh; sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học; xuất bản, xã hội học, dịch thuật, công an, luật, thầy thuốc, an ninh, quân đội…v.v. Đồng thời cũng qua HĐTNST giáo dục cho HS thái độ lao động đúng đắn và ý thức tôn trọng tính đa dạng nghề nghiệp.